Thứ 7, 21/12/2024

Truy cập
Online: 48
Hôm nay: 395
Tất cả: 635,847
Các yếu tố nguy cơ của ung thư vú (Phần 1)

Vào những năm 1940, nguy cơ của một người phụ nữ mắc ung thư vú (UTV) trong suốt cuộc đời của họ là 5%, tức là khoảng 1/20 người. Gần đây, Hiệp hội ung thư học Hoa kỳ (American Cancer Society) tính toán nguy cơ hiện nay là 13% vào năm 2012, tức là khoảng hơn 1/8 người. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, người ta không thể hiểu được tại sao một người phụ nữ nào đó lại mắc ung thư vú. Trong thực tế, có đến 75% trong tổng số phụ nữ mắc ung thư vú lại không hề có một yếu tố nguy cơ nào được tìm thấy.

Các yếu tố nguy cơ của ung thư vú là gì?

Một yếu tố nguy cơ được định nghĩa là một yếu tố làm tăng tần suất mắc bệnh của cá nhân một người nào đó. Nhiều loại ung thư khác nhau có nhiều yếu tố nguy cơ khác nhau.

Tuy nhiên, việc ai đó có một yếu tố nguy cơ ung thư, hay thậm chí là nhiều yếu tố nguy cơ ung thư, cũng không nhất thiết phải có nghĩa rằng người đó sẽ bị ung thư. Một số phụ nữ có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ UTV nhưng không hề bị UTV. Ngược lại, đa số phụ nữ đã mắc UTV lại không tìm thấy có một yếu tố nguy cơ nào cụ thể.

Yếu tố nguy cơ đặc biệt cao

Một người phụ nữ có tiền sử đã bị UTV ở một bên vú thì có khả năng phát triển ung thư vú mới cao gấp 3 đến 4 lần so với người bình thường, khối u mới này không liên quan đến khối u trước đây; có thể xuất hiện ở vú bên kia hoặc ở phần còn lại của vú đã bị ung thư trước đó. Trường hợp này khác với trường hợp khối u cũ tái phát.

Yếu tố nguy cơ cao

  • Lớn tuổi. Nguy cơ UTV tăng lên theo tuổi. Khoảng 77% phụ nữ được chẩn đoán UTV mới phát hiện mỗi năm là lớn hơn 50 tuổi, và hơn 50% số ung thư vú mới là lớn hơn hoặc bằng 65 tuổi. Hãy nhớ những con số sau: trong nhóm tuổi từ 40- 49 thì tần suất mắc ung thư vú là 1/68, trong khi đó ở nhóm tuổi 50- 59, con số này là 1/37.

  • Tiền sử gia đình trực tiếp. Người có mẹ, chị gái, hoặc con gái (gọi là quan hệ bậc một) đã mắc UTV thì có nguy cơ cao mắc UTV. Nguy cơ này còn cao hơn nếu người bà con đó bị UTV trước khi đến tuổi mãn kinh và bị ung thư ở cả hai vú. Người ta tính rằng có một người bà con bậc một bị UTV thì nguy cơ mắc UTV tăng lên gấp đôi, và nếu có hai người bà con bậc một bị UTV thì nguy cơ tăng lên gấp năm lần. Nếu một người (phụ nữ) có người bà con cùng huyết thống là nam giới nhưng cũng bị UTV thì người đó cũng có nguy cơ cao mắc UTV.

  • Yếu tố di truyền. Người mang các đột biến của một hoặc cả hai gen UTV có liên quan với nhau có tên là BRCA1và BRCA2 là những người có nguy cơ cao. Những người mang các đột biến di truyền ở một trong hai gen này được tính rằng có nguy cơ đến 85% bị UTV, tính chung trong toàn bộ cuộc đời của họ.

  • Các tổn thương vú. Nếu đã được làm sinh thiết vú tại một tổn thương trước đây cho kết quả là Loạn sản không điển hình (thể thuỳ hoặc ống tuyến) hoặc ung thư trong biểu mô thể thuỳ thì nguy cơ mắc UTV của người đó tăng lên 4 đến 5 lần.

Các yếu tố nguy cơ tương đối cao

  • Tiền sử gia đình xa. Yếu tố này liên quan đến UTV ở những người bà con ở mức độ quan hệ xa hơn, như là cô, dì, bà nội, bà ngoại, và các chị em họ. Người ta còn gọi những người này thuộc vào nhóm “quan hệ bậc hai”.

  • Kết quả sinh thiết vú bất thường trước đây. Phụ nữ có sinh thiết vú trước đây cho thấy một trong những kết quả sau được xếp vào nhóm có nguy cơ tương đối cao: nhân xơ vú với hình ảnh giải phẫu bệnh phức tạp, tăng sản vú không có bất điển hình, bệnh lý tuyến xơ (sclerosing adenosis), và u nhú đơn độc. Ở nước ta, việc đọc kết quả giải phẫu bệnh lý thường không được chi tiết như ở các nước phát triển nên thực tế các yếu tố này rất khó đánh giá.

  • Tuổi khi mang thai. Mang thai đứa con đầu tiên sau 35 tuổi hoặc không sinh đẻ gì là một yếu tố nguy cơ mắc UTV.

  • Có kinh sớm. Nguy cơ UTV gia tăng nếu bạn có kinh lần đầu tiên trước 12 tuổi.

  • Mãn kinh muộn. Nếu bạn bắt đầu tuổi mãn kinh sau 55 tuổi, nguy cơ UTV của bạn sẽ cao hơn.

  • Trọng lượng. Nếu bạn thừa cân (đặc biệt là mập phì ở vùng hông), và bạn ăn thừa năng lượng và mỡ thì nguy cơ UTV sẽ tăng cao, đặc biệt là sau khi mãn kinh.

  • Chiếu xạ. Yếu tố nguy cơ này đặc biệt đúng đối với những người đã được chiếu xạ vùng vú để chữa viêm vú khi cho con bú; bị chiếu xạ với tổng liều cao vào trước tuổi 30- thường là để chữa một số loại ung thư như bệnh lymphoma chẳng hạn. Gần đây có một số báo cáo cho thấy rằng chụp CT- scan nhiều ở vùng ngực cũng làm tăng nguy cơ bị UTV.

  • Những ung thư khác trong gia đình. Một tiền sử ung thư trong gia đình như ung thư buồng trứng, cổ tử cung, thân tử cung hoặc ung thư đại tràng có thể làm tăng nguy cơ UTV.

  • Dòng tộc. Những con cháu nữ giới của các dòng họ người Do Thái ở đông và trung Âu (Ashkenazi) là những người có nguy cơ tương đối cao.

  • Uống rượu. Uống rượu được cho là có liên quan với tăng nguy cơ UTV. So sánh với người không uống rượu thì những người phụ nữ uống 1 ly rượu một ngày sẽ có nguy cơ tăng nhẹ; và những người uống từ 2- 5 ly mỗi ngày sẽ tăng nguy cơ gấp rưỡi so với người không uống.

  • Chủng tộc. Phụ nữ da trắng có nguy cơ UTV tăng nhẹ so với người Mỹ gốc Phi, gốc châu Á, gốc Mỹ Latin, và người bản xứ châu Mỹ. Tuy nhiên, người Mỹ gốc Phi dưới 40 tuổi lại có nguy cơ mắc UTV cao hơn người da trắng.

Nói về yếu tố chủng tộc, người ta cũng lưu ý một số hiện tượng như (1) Người Nhật tại nước Nhật có tần suất mắc UTV rất thấp, gần như là thấp nhất thế giới, nhưng người Nhật sống tại Mỹ lại có tần suất mắc ung thư vú cao hơn người Nhật sống tại Nhật; (2) Tương tự như thế, Người Việt nam hiện nay có tần suất mắc ung thư vú khoảng 20- 30/ 100.000, nhưng người Việt nam tại Mỹ lại có tần suất mắc UTV cao hơn con số này (gần tương đương với người Nhật tại Mỹ). Những hiện tượng này cho thấy rằng bên trong yếu tố chủng tộc cũng có sự chi phối của các yếu tố khác như kinh tế xã hội, chế độ ăn, chế độ sinh hoạt…

  • Điều trị nội tiết thay thế. Sử dụng lâu ngày các thuốc phối hợp estrogen- progesterone làm tăng nguy cơ UTV. Yếu tố nguy cơ này dường như sẽ quay trở lại ngang mức bình thường với cộng đồng dân cư chung sau khi ngừng dùng thuốc 5 năm hoặc lâu hơn. (còn tiếp…)

***** Tại Phòng Khám Sản Phụ khoa Bảo Tuyến hiện nay bắt đầu triển khai Tư vấn và Xét nghiệm tìm Đột biến Gen BRCA1/2- là những đột biến Gen có nguy cơ cao dẫn đến Ung thư vú. Đây là kỹ thuật rất mới mà Phòng khám chúng tôi đã cố gắng triển khai để phục vụ cho việc tìm hiểu nguy cơ và dự phòng sớm cho mọi phụ nữ có quan tâm.

BAOTUYEN-women’s health

Câu hỏi thường gặp

Câu hỏi 5

Câu hỏi 4

Câu hỏi 3

xem thêm ...
 
Giờ khám bệnh
   

Từ thứ 2 đến thứ 6: Từ 17h

   

Thứ 7: Từ 9h đến 11h30

   

Chủ nhật và ngày lễ : khám theo hẹn

 
Đăng kí khám bệnh
   

- Điện thoại :  0903533927

Buổi sáng: 7:00 đến 11:30

Buổi chiều tối: từ 14:00 đến 20:00

- Địa chỉ : 21 Bế Văn Đàn, Đà Nẵng

 
Liên kết

Sở y tế đà nẵng

 

Quảng Cáo